Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là dịp lễ tết lớn nhất và quan trọng nhất của người dân Trung Quốc, Trung Quốc đồng thời cũng là quốc gia tổ chức Tết Nguyên Đán với quy mô lớn nhất và náo nhiệt nhất thế giới. Có thể thấy, Tết Nguyên Đán đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân xứ sở Trung Hoa.

tết nguyên đán
春节 – Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán, còn gọi là Tết Nguyên Nhật, Tết Nguyên Thần, Tết Đoan Nhật. Nhưng tên gọi phổ biến hơn cả là Lễ Hội Mùa Xuân (春节 – Xuân Tiết), ngày lễ này được người dân Trung Quốc chuẩn bị từ ngày 23 tháng Chạp, tức ngày lễ Tết ông Công ông Táo, được tổ chức chính thức vào đêm 30 tháng Chạp, rạng sáng mùng 1 tháng Giêng và thường sẽ kéo dài đến hết mùng 5 tháng Giêng, nhiều nơi hoặc nhiều hộ gia đình còn ăn tết cho đến ngày Tết Nguyên Tiêu (tức rằm tháng Giêng), số ít thậm chí còn tổ chức ăn tết cho đến hết tháng Giêng.

Nhưng được tổ chức linh đình nhất, nhộn nhịp nhất lại rơi vào đêm Giao Thừa (除夕), tức đêm 30 tháng Chạp và ngày mùng 1 tháng Giêng, đây là thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới.

Nguồn gốc Tết Nguyên Đán

Có rất nhiều cách diễn giải về nguồn gốc của ngày Tết Nguyên Đán, theo nhiều tài liệu lịch sử ghi chép lại thì truyền thuyết về con quái thú tên Niên (年) chính là khởi nguồn cho sự ra đời của dịp Tết Nguyên Đán, đây cũng là nội dung được giảng dạy cho các đối tượng học sinh, sinh viên nước ngoài khi đến Trung Quốc học tập và sinh sống.

Theo truyền thuyết, khởi đầu của Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc là một cuộc chiến chống lại con Niên Thú (年兽 – Quái thú tên Niên), theo một số tài liệu ghi chép lại, Niên thú còn có tên gọi là Tịch (夕). Niên thú quanh năm sống dưới đáy biển, con Niên hay xuất hiện vào dịp đầu năm mới, nó lên bờ và đến khu vực nơi người dân sinh sống để phá hoại gia súc, mùa màng, giết hại dân làng, đặc biệt là chuyên ăn thịt trẻ con.

Để bảo vệ mình, dân làng đặt thức ăn trước cửa nhà vào dịp đầu năm, sau đó già trẻ trai gái cùng dắt nhau lên núi trốn chạy con Niên. Mọi người tin rằng, sau khi ăn những thức ăn đó, nó sẽ không tấn công dân làng nữa. Năm nọ, có một ông già ăn xin đến thôn làng, khi đó dân làng đã trốn hết lên núi, chỉ còn một bà lão ở lại cho ông thức ăn và khuyên ông lão nhanh chân đi trốn. Ông lão bất ngờ nói: “Hãy cho tôi ở lại nhà đêm hôm nay, tôi sẽ đuổi được con Niên quái ác đó đi”.

Thế rồi vào đêm Trừ Tịch (除夕 – Giao Thừa), con Niên đến thôn như thường lệ, nhưng phát hiện ra có điều bất thường. Ngoài cửa nhà bà lão đầu thôn có dán giấy đỏ, bên trong nhà có ánh lửa sáng rực, con Niên khi đó đã vô cùng sợ hãi, kêu to một tiếng rồi tháo chạy.

Giữa đường tháo chạy, bên trong khu vườn nhà bà lão đột nhiên phát ra tiếng pháo nổ lớn, con Niên vốn đã sợ, nay càng thêm khiếp, một mạch chạy thẳng về hướng biển lớn và không dám quay đầu trở lại thêm một lần nào nữa. Sau này, dân làng mới hiểu ra rằng con Niên sợ màu đỏ, ánh lửa và tiếng pháo nổ. Do đó mà về sau, vào những ngày đầu năm mới, dân làng đều treo đèn lồng đỏ, dán giấy đỏ trên cửa sổ, cửa chính ra vào, họ cũng đốt pháo hoa để làm cho con Niên khiếp sợ. Từ đó, con Niên không bao giờ tới làng nữa.

niên thú
Niên Thú. Ảnh: Baidu

Chữ “Trừ” trong từ “Trừ Tịch” (除夕) nghĩa là bài trừ, trừ bỏ. Còn chữ “Tịch” là tên gọi khác của con Niên, vì vậy, đánh đuổi, bài trừ được con Niên được gọi là Trừ Tịch (除夕), từ đây hình thành nên đêm Giao Thừa (除夕) trong dịp Tết Nguyên Đán của Trung Quốc.

Người dân Trung Quốc tổ chức rất nhiều hoạt động để đón mừng Tết Nguyên Đán, như là trang trí và dọn dẹp nhà cửa, mua sắm quần áo mới, sum họp gia đình, dán câu đối, bắn pháo hoa, chúc tết, lì xì, ăn sủi cảo, múa lân sư rồng,… Hãy cùng HSKCampus điểm qua một số hoạt động tiêu biểu đáng chú ý nha.

Sum họp gia đình

Tết Nguyên Đán là dịp của sự đoàn tụ, là ngày để mọi người trở về với gia đình của mình. Điều quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên Đán là mọi người thường trở về nhà để quây quần ăn tối trong đêm giao thừa.

Trong dịp này, những đứa con từ các thành phố lớn sẽ di chuyển về nhà ăn tết cùng gia đình ở quê. Việc di chuyển này được gọi là Xuân Vận (春运). Gần 3 tỷ lượt người Trung Quốc tất bật tìm về với gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán, đây cũng là đợt “di dân” lớn nhất trên thế giới.

sum họp gia đình
Sum họp gia đình
xuân vận
Xuân Vận. Ảnh: Sohu

Xem Gala Mừng Xuân – Xuân Vãn

Đêm giao thừa là dịp để gia đình người dân Trung Quốc sum họp, đoàn tụ bên nhau, họ không chỉ ăn những bữa ăn đoàn viên mà còn cùng nhau xem những chương trình giải trí mừng xuân với rộn ràng không khí mùa lễ hội, đêm này cũng là đêm mà đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) sẽ phát sóng chương trình truyền hình trực tiếp Gala Mừng Xuân (Xuân Vãn), một chương trình truyền hình có lượt xem nhiều nhất thế giới trong cùng một thời điểm.

xuân vãn
Gala Mừng Xuân 2021 của đài CCTV. Ảnh: Phoenix TV
gala mừng xuân
Gala Mừng Xuân Trung Quốc. Ảnh: Terbly

Chương trình Gala Mừng Xuân được truyền hình trực tiếp ở 4 khu vực khác nhau trên khắp đất nước Trung Quốc, với mong muốn người dân cả nước có thể hòa chung không khí đón chào năm mới. Gala Mừng Xuân của đài CCTV đã trở thành món ăn tinh thần, ăn sâu vào tiềm thức của người dân nước này.

Treo đèn lồng

Đèn lồng được lựa chọn để trang trí vào dịp Tết Nguyên Đán vì nó mang ánh sáng ấm áp, tượng trưng cho sự hài hòa, may mắn và bình an. Người dân Trung Quốc quan niệm rằng đầu năm trang hoàng, đầy đủ thì cả năm sẽ gặp nhiều điều tốt lành. Người Trung Quốc thường treo đèn lồng ngoài đường phố, trước cổng hoặc trang trí trong nhà để gửi gắm sự cầu mong may mắn, an khang và thịnh vượng.

lồng đèn
Đèn lồng Tết Nguyên Đán. Ảnh: Chinese New Year

Treo, dán chữ “Phúc” ngược

Chắc hẳn khi đọc đến đây bạn sẽ thấy làm lạ là vì sao người Trung Quốc lại treo chữ Phúc (福) ngược đi trong một dịp lễ tết hết sức quan trọng như vậy. Chữ “ngược” trong câu “Phúc ngược rồi” là chữ thuần Việt, nếu đọc theo âm Hán – Việt, thì ta sẽ đọc là “đáo” (倒).

Điều thú vị ở chỗ, chữ “đáo” (倒 – nghĩa là “ngược”) lại đồng âm với chữ “đáo” (到), nghĩa là “đến”. Vậy nên, mọi người hễ thấy chữ Phúc bị dán ngược hay bị treo ngược sẽ nói là “Phúc đáo rồi !”, tức “Phúc đến rồi !”, “Phúc tới rồi !” 😀 Thú vị chưa 😀 Nó giống như là một câu mừng vậy, hò reo vui sướng trong dịp Tết Nguyên Đán thiệt là hết sức ý nghĩa 😀

chữ phúc ngược
Dán chữ Phúc ngược dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: 163

Dán câu đối

Người dân Trung Quốc vô cùng ưa thích màu đỏ, vì màu đỏ tượng trưng cho niềm vui và may mắn. Câu đối đỏ rực, do đó, trở thành một vật phẩm không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền ở Trung Quốc.

Câu đối (春联 – Xuân Liên) là một hình thức văn học của người Trung Quốc, còn gọi là “Môn đối”, “Xuân thiếp”, “Đối liên”, “Đào phù”, “Đối tử”. Chữ nghĩa của câu đối cần nắn nót, đối ngẫu, cô đọng, tinh xảo nhằm miêu tả bối cảnh thời đại, gửi gắm hi vọng tốt lành.

Mỗi năm tết đến, dù là thành thị hay thôn quê, nhà nhà đều chọn một đôi câu đối màu đỏ dán lên cánh cửa hoặc trong phòng khách để tăng thêm không khí vui vẻ ngày tết. Vì được dán vào dịp tết, nên người Trung Quốc thường gọi câu đối là “Xuân Liên”.

dán câu đối
Dán câu đối dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: Sohu

Chúc tết

Lời chúc tết cũng là một trong những truyền thống đặc sắc, mang đến nhiều may mắn của văn hóa dịp Tết Nguyên Đán, là món quà tinh thần to lớn dành cho những người thân yêu, bạn bè… trong dịp đầu năm mới.

chúc tết
Chúc tết trong triều đình ở Trung Quốc. Ảnh: The National Library of China
chúc tết
Chúc tết ngày nay. Ảnh: Sohu

Lì xì

Lì xì ngày đầu năm là nét văn hóa đặc sắc trong dịp Tết Nguyên Đán. Mặc dù cách đón tết nay và tết xưa ít nhiều đã có sự thay đổi, nhưng tục lệ này vẫn luôn được gìn giữ và trở thành một phần không thể thiếu trong dịp tết của người Trung Quốc, thậm chí việc lì xì ngày nay càng trở nên phổ biến hơn cả thời xưa khi có sự xuất hiện của những chiếc điện thoại thông minh.

Bạn có thể gửi và nhận các phong bao lì xì thông qua Wechat, QQ, Alipay cho người thân, bạn bè chỉ với vài thao tác ngay trên chính điện thoại của mình (kiểu hình thức chuyển khoản vậy đó).

lì xì
Lì xì qua Wechat. Ảnh: Sohu

Theo truyền thống, sáng mùng một tết, cả gia đình sẽ sum họp lại với nhau thắp hương tổ tiên và cùng nhau vui vầy ăn tết. Trẻ nhỏ trao cho người lớn những lời chúc tốt đẹp. Ông bà, cha mẹ thì gửi đến trẻ trong nhà những phong bao lì xì đỏ để lấy lộc đầu năm. Đây được xem như là phong tục chẳng thể thiếu vào ngày tết cổ truyền của người Trung Quốc.

Lì xì hay tiền mừng tuổi, trong tiếng Trung gọi là 压岁钱 (压 nghĩa là áp chế, đàn áp; 岁 nghĩa là tuổi; 钱 nghĩa là tiền). Vì sao lại có tên gọi như thế này nhỉ ? Chuyện này có liên quan đến con quỷ hay đi xoa đầu trẻ các bạn ạ, để HSKCampus kể cho bạn nghe về nguồn gốc ra đời của cái tên “lì xì”, “tiền mừng tuổi” (压岁钱):

Tương truyền rằng, thời xa xưa, tại xứ sở Trung Hoa có một con quỷ rất thích xoa đầu trẻ em tên là Sui (岁). Nó thường xuất hiện vào đêm giao thừa khi mà trẻ đã ngủ ngon, Sui thường lẫn trốn và xoa đầu trẻ khiến trẻ thức, khóc thét đến sốt cao rồi trở nên ngốc nghếch. Để giữ an toàn cho trẻ, cha mẹ thường đốt đèn và canh trẻ hết đêm giao thừa. Đây cũng là câu chuyện giải thích cho tập tục thức qua đêm giao thừa. 

Truyện kể rằng có một gia đình nọ, người mẹ đã trạc 50 tuổi mới hạ sinh được một bé trai bụ bẫm nên gia đình rất cưng chiều. Một hôm, vào đêm giao thừa có 8 vị tiên đi ngang và trông thấy con Sui đang tìm cách xoa đầu cậu bé này. Nhận thấy cha mẹ cậu bé tốt tính nên các vị tiên bèn ra tay cứu độ bằng cách biến thành 8 đồng tiền và dặn cha mẹ cậu bé hãy gói 8 đồng tiền vào bao đỏ và đặt kế bên cậu bé.

Khi con Sui bắt đầu tiến đến gần đứa bé đang ngủ, những bao đỏ bọc đồng tiền liền phát ra ánh hào quang, đánh đuổi con yêu quái chạy mất. Tiếng lành đồn xa, cứ mỗi dêm giao thừa, nhà nhà đều gói đồng tiền vào giấy đỏ rồi tặng cho con cháu để cầu an. Từ đó tục lì xì vào ngày tết ra đời.

lì xì
Ánh hào quang từ bao lì xì xua đuổi con quỷ Sui. Ảnh: Tianqijun
lì xì
Tục lì xì trong dịp Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc. Ảnh: Sohu

Múa lân – sư – rồng

Múa lân – sư – rồng, người Việt ta quen gọi là múa lân, là một môn nghệ thuật múa dân gian đường phố của Trung Quốc, thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu, vì ba con thú này tượng trưng cho thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và hanh thông.

Múa lân thường còn biểu diễn trong dịp tết và các lễ hội truyền thống, văn hóa và tôn giáo khác của Trung Quốc. Ngày nay, múa lân và múa rồng dần trở nên phổ biến hơn cả, chúng ta ít khi thấy múa sư tử.

múa lân
Múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh Sina
múa sư tử
Múa sư tử dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: Huanqiu
múa rồng
Múa rồng dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: Dazhong Daily

Bắn pháo hoa

Sau khi người Trung Quốc phát minh ra thuốc nổ, người ta cho vào trong ống lưu huỳnh, than củi… để đốt. Tới thời Nam Bắc triều, đốt pháo mừng năm mới bắt đầu trở thành tập tục và truyền sang nhiều nước lân cận, trong đó có Việt Nam ta đến tận ngày nay.

Như chúng ta đã biết, Niên thú rất sợ tiếng pháo hoa, do đó, hễ cứ tới cuối năm cũ đầu năm mới, người ta ngoài việc dán câu đối màu đỏ ở cửa, treo đèn lồng đỏ, thì họ còn đốt luôn cả pháo và thức cả đêm để đuổi con Niên thú đi. Đó cũng là nguồn gốc việc người dân Trung Quốc từ xưa đã hay đốt pháo trong ngày tết.

pháo bông
Đốt pháo dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: Sohu
pháo hoa
Đốt pháo dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: Sohu

Ăn sủi cảo

Sủi cảo, hay còn gọi là bánh chẻo, là một trong số những món ăn truyền thống mang nhiều ý nghĩa tinh thần tốt đẹp thường được ăn vào dịp năm mới của Trung Quốc. Sủi cảo thường được làm với vỏ bằng bột mì cán mỏng với phần nhân được làm từ thịt, tôm hoặc rau trộn lẫn với nhau. Đây được coi là món ăn đặc trưng của người dân xứ sở Trung Hoa.

Theo quan niệm dân gian, hình dáng nửa vầng trăng của sủi cảo tượng trưng cho sự may mắn. Nếu kéo dài hai đầu sủi cảo hình bán nguyệt nối liền với nhau sẽ giống như một nén bạc, tượng trưng cho cuộc sống tiền tài dư dả, sung túc.

Ngoài ra, sủi cảo còn được người ta in hình bông lúa mì trên vỏ bánh với mong ước một năm trồng trọt được mùa bội thu. Bởi thế, với người Trung Quốc, ăn sủi cảo vào đầu năm sẽ đem đến nhiều điều may mắn và cuộc sống sung túc hơn.

sủi cảo
Sủi cảo trong dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: Sohu

Tết Nguyên Đán quả thực là một dịp tết đáng mong chờ nhất năm phải không các bạn ? Chúng ta được quây quần bên gia đình, được lì xì, có dịp đi thăm bạn bè, đi mua sắm, xem pháo hoa và cùng rộn ràng trong tiếng hò vang của mọi người trong đêm giao thừa, cùng ăn nhiều món ăn đậm chất truyền thống, quá là thích luôn 😀

tiếng trung hskcampus

tiếng trung hskcampus

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Địa chỉ e-mail của bạn sẽ không hiển thị công khai đâu. Đừng lo !