Để có thể nắm vững hơn những quy luật cũng như cách dùng cơ bản của ngữ pháp tiếng Trung, đòi hỏi người học tiếng Trung phải hiểu, phải nắm được những đặc điểm, những nét riêng vốn có của ngữ pháp tiếng Trung. Một trong những đặc điểm rõ nét nhất của ngữ pháp tiếng Trung chính là sự thiếu sót về biến đổi hình thái (形态变化) của từ vựng.
Bài học hôm nay của HSKCampus sẽ không trình bày cách sử dụng của một điểm ngữ pháp trong tiếng Trung như thế nào, mà chỉ tập trung đề cập đến sự biến đổi của từ vựng tiếng Trung khi nó được dùng trong từng thời điểm khác nhau, qua đó ta có thể thấy được điểm khác nhau giữa tiếng Trung và các loại ngôn ngữ khác, do đó bọn mình sẽ liệt bài học này vào chuyên mục Ngữ pháp cao cấp.
Mục lục bài viết
Loại hình ngôn ngữ của tiếng Trung
Trước khi đi vào bài học chính của ngày hôm nay, chúng ta cần phải tìm hiểu xem tiếng Trung Quốc thuộc loại hình ngôn ngữ nào. Hiện nay, các ngôn ngữ trên thế giới được chia làm 4 nhóm chính:
Nhóm 1: Ngôn ngữ đơn lập (孤立语 /gūlì yǔ/)
Nhóm 2: Ngôn ngữ hòa kết (综合语 /zōnghé yǔ/, hay còn gọi là 屈折语 /qūzhé yǔ/)
Nhóm 3: Ngôn ngữ chắp dính (黏着语 /niánzhuó yǔ/)
Nhóm 4: Ngôn ngữ hỗn nhập (编插语 /biānchā yǔ/, còn có tên là 多式综合语 /duōshì zōnghé yǔ/, 抱合语 /bàohé yǔ/)
Trong đó, tiếng Việt của chúng ta và tiếng Trung cùng chung một nhà, cùng thuộc nhóm ngôn ngữ đơn lập, còn tiếng Anh thì thuộc nhóm ngôn ngữ hòa kết.
Vậy, thế nào là ngôn ngữ đơn lập, ngôn ngữ hòa kết ?
Ngôn ngữ đơn lập (孤立语)
Với những ngôn ngữ nằm trong nhóm ngôn ngữ đơn lập, mà ở đây ta đang nói đến tiếng Việt và tiếng Trung, từ vựng của hai thứ tiếng này sẽ không thay đổi hình thái (tức không thay đổi cách viết, cách phát âm) dù ở bất kỳ thời điểm nào trong bất kỳ trường hợp nào của câu.
Động từ: ăn
Quá khứ: Tôi đã ăn cơm.
Hiện tại: Tôi đang ăn cơm.
Tương lai: Tôi sẽ ăn cơm.
Động từ: 吃
Quá khứ: 我吃饭了。/ 我已经吃饭了。
Hiện tại: 我在吃饭。/ 我正在吃饭。
Tương lai: 我会吃饭的。
Có thể thấy, động từ ăn trong tiếng Việt và động từ 吃 trong tiếng Trung dù là đang nói ở thời điểm quá khứ, hiện tại hay tương lai thì vẫn đều giữ nguyên cách viết, cách đọc (cách phát âm). Lúc này, sự khác nhau rõ nét nhất giúp ta phân biệt được thời điểm của hành động là khi có sự xuất hiện của hư từ (虚词) như đã, đang và sẽ trong tiếng Việt, 已经, 在, 了 trong tiếng Trung và động từ năng nguyện 会 trong tiếng Trung.
Ngôn ngữ hòa kết (综合语)
Khác với ngôn ngữ đơn lập, từ vựng của nhóm ngôn ngữ hòa kết sẽ có sự thay đổi về cách viết cũng như cách phát âm khi nó được đặt trong một tình huống nhất định ở một thời điểm cụ thể nào đó. Ở đây, HSKCampus sẽ lấy tiếng Anh, một trong những ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới, đồng thời cũng là ngôn ngữ tiêu biểu nhất trong nhóm ngôn ngữ hòa kết để làm ví dụ.
Động từ: go
Câu quá khứ: He went to school.
Câu hiện tại: He goes to school every morning.
Câu tương lai: He is going to go to school.
Ta dễ dàng nhận ra động từ go đã được thay đổi cách viết lẫn cách đọc và nó đã trở thành một động từ bất quy tắc là went khi động từ này được dùng trong thì quá khứ đơn (past simple). Khi dùng trong câu ở thì hiện tại đơn (present simple), ta lại phải thêm đuôi -es vào sau động từ nguyên mẫu go (do He là ngôi thứ ba số ít), và phải thêm đuôi -ing vào sau động từ nguyên mẫu go khi đang nói về tương lai.
Như vậy, có thể thấy, sự khác nhau cơ bản nhất và quan trọng nhất giữa ngôn ngữ đơn lập và ngôn ngữ hòa kết là ở hình thái của từ vựng.
Ngôn ngữ đơn lập: Không có sự biến đổi về hình thái từ vựng (cách viết, cách phát âm)
Ngôn ngữ hòa kết: Có sự biến đổi về hình thái từ vựng (thay đổi cách viết, biến đổi cách phát âm). Ví dụ: go – went – gone; good – better – best; fast – faster – fastest; eat ; ate; eaten;…
Đặc điểm của ngữ pháp tiếng Trung
Như bọn mình đã đề cập ở phần đầu của bài viết, tiếng Trung Quốc thuộc nhóm ngôn ngữ đơn lập, đặc điểm chính của nhóm ngôn ngữ này là không hề có sự biến đổi về cách viết cũng như cách phát âm của từ (hình thái từ) trong bất kỳ trường hợp nào. Phần này, HSKCampus sẽ nói rõ hơn về hình thái từ.
Ở phần trước, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi của động từ nguyên mẫu go trong tiếng Anh, tới phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu và so sánh thêm về danh từ số ít, danh từ số nhiều và đại từ nhân xưng giữa hai ngôn ngữ là tiếng Trung và tiếng Anh.
Danh từ số ít và danh từ số nhiều
Ta lấy từ 书 làm ví dụ, dù là danh từ số ít hay danh từ số nhiều, ta vẫn luôn viết là 书. Riêng với tiếng Anh, số ít là book, còn số nhiều là books.
Lại thêm ví dụ chữ 女人, ta luôn luôn viết là 女人, không cần biết đối tượng đang nói đến là một người (danh từ số ít) hay cả nhóm người (danh từ số nhiều). Còn trong tiếng Anh thì số ít là woman, số nhiều lại là women.
Đại từ nhân xưng
Ta lấy ví dụ thế này đi
我正在找她。
她正在找我。
I am looking for her.
She is looking for me.
Các bạn thấy gì chưa ? Đại từ nhân xưng 我 và 她 trong tiếng Trung dù là đóng vai trò chủ ngữ hay vị ngữ trong câu thì ta vẫn luôn viết, luôn đọc là 我 và 她.
Tiếng Anh khác một trời một vực luôn, chủ ngữ là I nhưng sẽ là me khi làm vị ngữ, vị ngữ là her nhưng sẽ là She khi làm chủ ngữ.
Sự thay đổi cách viết, cách đọc của các từ như book, books, woman, women, I, me, her, she chính là sự thay đổi hình thái từ. Tiếng Anh sẽ thay đổi hình thái từ vựng sao cho phù hợp với ngữ cảnh cần diễn đạt.
Còn với tiếng Trung thì…
Đến đây ta có thể rút ra được kết luận, hình thái từ trong ngữ pháp tiếng Trung không thật sự phong phú, về điểm này thì đây thật sự là một lợi thế ưu việt của tiếng Trung, sự thiếu sót về hình thái từ vô tình giúp chúng ta học tiếng Trung dễ dàng hơn bao giờ hết, nhất là khi so sánh lộ trình học tiếng với tiếng Anh.
Trường hợp đặc biệt
Đại đa số ngôn ngữ trên thế giới đều có chung một điểm ngữ pháp là động từ sẽ bổ nghĩa cho danh từ, tiếng Trung cũng vậy, thế nhưng, song song với việc động từ bổ nghĩa cho danh từ, tiếng Trung còn xuất hiện thêm một hiện tượng rất lạ là danh từ sẽ bổ nghĩa ngược lại cho động từ, tức danh từ sẽ đứng trước động từ, đóng vai trò làm trạng ngữ trong câu, đây là một nét riêng duy nhất mà chỉ có tiếng Trung mới có.
1. 十四年来,他自学中医,为群众义务治病六万次。
2. 假如发生意外情况,请你们立即电话报告,不要延误。
Như trong hai câu ví dụ trên, ta có thể thấy danh từ 义务 và 电话 lại đi bổ nghĩa cho động từ 治病 và 报告, đây là một hiện tượng mà với những ngôn ngữ khác sẽ bị coi là không thể chấp nhận được, nhưng lại là cách diễn đạt phổ biến của người Trung Quốc.
Một số nhà nghiên cứu ngữ pháp chỉ ra rằng, sự biến dạng về mặt chức năng của từ loại cũng là một sự biến đổi về mặt hình thái từ vựng của ngôn ngữ.
Ummmm, bài học về hình thái từ trong ngữ pháp tiếng Trung đến đây là hết rồi. Hi vọng rằng bài viết này sẽ mang lại một ít kiến thức về tiếng Trung đến cho các bạn!