Tết Trùng Cửu

Tết Trùng Cửu, còn gọi là Tết Trùng Dương, diễn ra vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch. Ngày mùng 9 tháng 9, hai số 9 trùng nhau, nên gọi là Trùng Cửu (重九), hay còn gọi là Trùng Dương (重阳). Cùng với Tết Nguyên Đán, Tết Trung ThuTết Đoan Ngọ, Tết Trùng Dương là một trong những ngày tết lớn của Trung Quốc.

trùng cửu trùng dương
Tết Trùng Cửu còn gọi là Tết Trùng Dương

Nguồn gốc Tết Trùng Cửu

Về nguồn gốc của ngày Tết Trùng Cửu, có một truyền thuyết mang đậm màu sắc thần thoại kể lại rằng, vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, có một người thần thông quảng đại, tên là Phí Trường Phòng (费长房). Ông không những có thể cầu mưa, gọi gió, mà còn có thể đuổi thần, bắt ma. Có một người thanh niên tên là Hoàn Cảnh (桓景) biết được tin này, rất tôn kính ông, xin ông nhận mình làm trò.

Do người thanh niên này có quyết tâm rất lớn, ông Phí Trường Phòng đã nhanh chóng nhận Hoàn Cảnh làm học trò, dạy anh thần phép. Một hôm thầy nói với trò: “Ngày mùng 9 tháng 9 này, tại Nhữ Nam (汝南 – nơi Hoàn Cảnh đang sinh sống) sẽ xảy ra đại hoạ, cả gia đình con sẽ khó mà qua khỏi.” Hoàn Cảnh nghe vậy rất sợ hãi, liền quỳ xuống xin thầy dạy cho cách để mình và gia đình được tai qua nạn khỏi.

Phí Trường Phòng bèn nói: “Đến ngày mùng 9 tháng 9, con làm vài chiếc túi bằng vải đỏ, bỏ cành thù du (茱萸, một loại thực vật có mùi rất thơm, dùng để bào chế thuốc) vào trong túi rồi buộc vào cánh tay, mang theo ít rượu ngâm với hoa cúc, đưa cả nhà, già trẻ, gái trai leo lên trên một ngọn đồi cao, đại họa ắt sẽ qua.”

Hoàn Cảnh làm theo lời căn dặn của thầy. Đến sáng sớm ngày mùng 9 tháng 9, Hoàn Cảnh đưa cả gia đình lên một ngọn đồi cao ở gần nhà, ban ngày bình an vô sự. Thế nhưng lúc trời tối, Hoàn Cảnh và cả gia đình về đến nhà thì thấy trâu bò, cừu, chó, gà đều chết hết, cả nhà đều rẫt đỗi kinh ngạc. Mọi người trong gia đình đều đã tránh được nạn.

Từ đó, ngày Trùng Cửu trèo núi lên cao, cắm cành thù du, uống rượu hoa cúc đã trở thành phong tục và được lưu truyền hơn 2000 năm ở Trung Quốc.

tết trùng dương
Tranh phác họa ông Phí Trường Phòng. Ảnh: The National Library of China

Trong quan niệm dân gian, vì chữ “Cửu Cửu” (九九) là 9 9, đồng âm với “Cửu Cửu” (久久), nghĩa là “lâu dài”, ngụ ý cầu mong mạnh khỏe trường thọ, nên Tết Trùng Cửu còn được gọi với một cái tên khác là Tết Người Cao Tuổi. Do vậy hằng năm đến Tết Trùng Cửu, khắp các nơi trong cả nước Trung Quốc đều tổ chức các hoạt động mang chủ đề kính lão trọng già.

tết trùng dương
Tết Trùng Cửu (Tết Trùng Dương) còn gọi là Tết Người Cao Tuổi

Đăng Cao – 登高

Leo núi, hay đơn giản là đi lên những vùng đất cao là hoạt động ngoài trời mang sắc thái văn hóa truyền thống trong ngày Tết Trùng Cửu. Việc leo núi trong giai đoạn đầu của ngày Tết Trùng Cửu vốn là việc săn bắt các loài động vật hoang dã và hái lượm những loại thực vật quý hiếm, có tác dụng bào chế thuốc. Về lâu dài, hoạt động này dần chuyển sang hình thức giải trí và ngắm cảnh, uống rượu.

tết trùng dương
Đăng Cao trong ngày Tết Trùng Cửu. Ảnh: The National Library of China

Cắm cành thù du – 插茱萸

Thù du là một loại thực vật có mùi rất thơm, có thể bào chế thành thuốc. Ngoài ra, thù du còn có tác dụng xua đuổi côn trùng và hút ẩm. Người xưa tin rằng, việc cắm cành thù du hay trồng cây thù du sẽ mang lại lợi ích trong việc phòng tránh tai ương.

tết trùng dương
Tranh phác họa cây thù du. Ảnh: The National Library of China

Chơi hoa cúc – 赏菊, uống rượu hoa cúc – 饮菊花酒

Hoa cúc là một loài hoa được dùng làm rượu hoa cúc trong ngày Tết Trùng Cửu, song song với việc được dùng như một loại nguyên liệu để làm rượu, hoa cúc còn mang đến một sân chơi cho những người dân Trung Quốc thích chơi hoa lúc bấy giờ. Việc ngắm, chơi hoa, trưng bày hoa cúc thời xưa thịnh đến độ còn có cả nhiều sự kiện, đại hội chỉ dành riêng cho hoa cúc.

tết trùng dương
Ngắm hoa cúc. Ảnh: The National Library of China
tết trùng dương
Đại hội thưởng ngoạn hoa cúc. Ảnh: The National Library of China
tết trùng dương
Uống rượu hoa cúc. Ảnh: The National Library of China

Bánh Trùng Cửu (Trùng Dương) – 重阳糕

Câu chuyện của gia đình Hoàn Cảnh ngày mùng 9 tháng 9 leo lên những vùng đất cao để tránh tai ương đã nhanh chóng được nhiều người dân bàn tán ở xã hội thời ấy. Một số người vì sợ đại họa không sớm thì muộn cũng sẽ ập đến nhà mình, nên đã tìm cách đưa cả nhà lên những vùng cao để sinh sống và lập nghiệp.

Thế nhưng, Trung Quốc đất rộng mênh mông, vùng đồng bằng bao la rộng lớn, tìm đâu ra những vùng đất cao ? Thế rồi, nhiều người nghĩ ra cách là sẽ làm bánh ăn vào ngày Tết Trùng Cửu, vì chữ “bánh” trong tiếng Trung là 糕,đọc là /gāo/, đồng âm với chữ 高, cũng đọc là /gāo/, nghĩa là “cao” trong tiếng Việt mình (trái nghĩa với tính từ “thấp”). Họ xem việc ăn “cao” là đã lên “cao”. Vì vậy, mọi người cho rằng, ăn bánh Trùng Cửu có thể thay thế cho việc lên núi cao.

tết trùng dương
Bánh Trùng Cửu. Ảnh: Duoguo

Chơi đá banh – 蹴鞠

Đá banh (đá bóng) là môn thể thao dành cho trẻ em được tổ chức vào ngày Tết Trùng Cửu xưa, và đây cũng là nguồn gốc của môn thể thao vua ngày nay.

tết trùng dương
Đá banh ngày Tết Trùng Cửu. Ảnh: The National Library of China

Các hoạt động văn hóa, vui chơi khác

tết trùng dương
Săn bắt thú hoang dã ngày Tết Trùng Cửu. Ảnh: The National Library of China
tết trùng dương
Chơi bắn tên ngày Tết Trùng Cửu. Ảnh: The National Library of China

Có thể thấy, Tết Trùng Cửu quả thực là một trong những ngày tết tràn đầy ý nghĩa và mang đậm văn hóa truyền thống của người dân xứ sở Trung Hoa, cũng nhờ ngày lễ tết này mà đã cho ra đời một trong những môn thể thao được nhiều người ưa thích nhất hiện nay – bóng đá. Còn nhiều thông tin bổ ích, thú vị xoay quanh chủ đề Văn hóa Trung Quốc. Các bạn nhớ chú ý đón đọc nhá ! 😀

tiếng trung hskcampus

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Địa chỉ e-mail của bạn sẽ không hiển thị công khai đâu. Đừng lo !