Bộ thủ và thiên bàng luôn là hai khái niệm gây khó dễ cho những bạn đã và đang học tiếng Trung, thậm chí những bạn học chuyên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc có đôi khi còn không phân biệt được bộ thủ và thiên bàng khác nhau như thế nào. Trong bài viết ngày hôm nay, HSKCampus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sự khác nhau giữa bộ thủ và thiên bàng trong tiếng Trung.
Trong bài viết Công dụng của thiên bàng trong tiếng Trung hôm trước, HSKCampus đã có giới thiệu sơ qua về thiên bàng biểu ý và thiên bàng biểu âm, trong bài viết đó, nếu các bạn để ý kỹ, các bạn sẽ thấy có một hiện tượng rất lạ. Đó là chữ 马, chữ 马 trong các chữ như 妈, 吗, 骂, 码, 玛 là thiên bàng biểu âm, thế nhưng, đây cũng chính là bộ thủ luôn.
Lấy thêm một ví dụ khác, ta lấy chữ 踢 /tī/ đi, bộ Túc (⻊) trong chữ 踢 là bộ thủ, nhưng nó đồng thời cũng là thiên bàng (thiên bàng biểu ý). Rồi! Đọc tới đây có thấy bắt đầu rối chưa hỡ ? Thế quái nào mà cũng cùng là chữ ⻊, 马, nhưng khi thì là bộ thủ, lúc thì là thiên bàng ?
Mục lục bài viết
Tại sao ta hay nhầm lẫn bộ thủ và thiên bàng ?
Trong suốt nhiều năm liền học tiếng Trung, HSKCampus đã gặp không ít các trường hợp đánh đồng khái niệm bộ thủ và thiên bàng. Nhiều bạn cho rằng bộ thủ chính là thiên bàng, và thiên bàng chính là bộ thủ. Chính hai ví dụ vừa nêu bên trên là nguyên nhân chính khiến cho đại đa số những bạn học tiếng Trung mang suy nghĩ sai lầm này.
Như chúng ta đã biết, khi phân tích kết cấu của chữ Hán, nhất là phân tích thiên bàng, ta sẽ được hai hình thể của thiên bàng, một là thiên bàng biểu ý (表意偏旁;表义偏旁), hai là thiên bàng biểu âm (表音偏旁).
Còn bộ thủ, bộ thủ là thuật ngữ được các nhà biên soạn từ điển đặt ra và sử dụng nó để phân loại mục từ sao cho việc tra từ trở nên dễ dàng hơn trong một quyển sách dày cộm với hàng ngàn từ vựng. Vấn đề bắt đầu phát sinh từ đây, đó là bộ thủ được sinh ra từ hình thể của thiên bàng.
Ta lấy chữ 粮 để làm ví dụ nhé, khi chúng ta phân tích cấu tạo của chữ 粮, ta sẽ phân tích như sau: Chữ 粮 được cấu tạo bởi thiên bàng biểu ý 米 và thiên bàng biểu âm 良. Lúc này ta đưa ra kết luận rằng chữ 米 chính là thiên bàng của chữ 粮. Đó là đang phân tích cấu tạo của chữ Hán, ta sẽ nói như thế.
Bây giờ, chúng ta sẽ đặt tình huống giả dụ dùng từ điển để tra chữ 粮, ta phát hiện chữ 粮 này được xếp vào mục bộ thủ 米 (một quyển từ điển có rất nhiều cách tra từ: tra theo phiên âm, tra theo nét, tra theo bộ thủ). Lúc này ta có thể kết luận rằng chữ 米 chính là bộ thủ của chữ 粮.
Như vậy, có thể thấy, cũng cùng là chữ 米, nhưng đặt ở tình huống khác nhau sẽ có tên gọi khác nhau.
- Khi phân tích kết cấu chữ Hán, ta gọi 米 là thiên bàng của chữ 粮
- Khi tra từ điển, ta gọi 米 là bộ thủ của chữ 粮
Làm thế nào để phân biệt bộ thủ và thiên bàng ?
Trước khi đi vào phân tích chi tiết, HSKCampus xin nhấn mạnh một điều là bộ thủ và thiên bàng không giống nhau, giữa chúng có sự khác biệt rất lớn.
Bộ thủ
Bộ thủ là khái niệm, là thuật ngữ do các nhà biên soạn từ điển đặt ra để phân chia mục từ, giúp người đọc có thể tra từ nhanh nhất có thể. Bộ thủ được lấy từ hình thể của thiên bàng (người biên soạn từ điển có thể sẽ lấy thiên bàng biểu ý hoặc thiên bàng biểu âm, đa phần sẽ lấy thiên bàng biểu ý, tức hình bàng).
Bộ thủ xuất hiện ở cả chữ đơn thể (独体字), chữ hợp thể (合体字) và cả nét bút không thể tạo nên chữ. Ví dụ:
- Chữ đơn thể (独体字): bộ Đao (刀), bộ Ngôn (言), bộ Nhân (人), bộ Tâm (心), bộ Thủy (水),…
- Chữ hợp thể (合体字): bộ Đao (刂) trong chữ 别, bộ Ngôn (讠) trong chữ 请, bộ Nhân (亻) trong chữ 他, bộ Tâm (忄) trong chữ 情, bộ Thủy (氵) trong chữ 河,…
- Nét bút, hay còn gọi là nét chữ (笔画): bộ Chủ (丶), bộ Cổn (丨), bộ Phiệt (丿),…
Thiên bàng
Thiên bàng là khái niệm, là thuật ngữ được dùng trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ. Thiên bàng là bộ phận cấu thành nên chữ Hán (loại chữ hình thanh), được dùng để phân tích hình thể của con chữ trong tiếng Trung, từ đó ta phát hiện được nghĩa của chữ và âm đọc của chữ.
Như chúng ta đã biết, thiên bàng có hai loại là thiên bàng biểu ý, còn gọi là hình bàng và thiên bàng biểu âm, gọi là thanh bàng. Hình bàng và thanh bàng hợp lại sẽ tạo nên chữ hợp thể (合体字). Điều đó có nghĩa, thiên bàng chỉ xuất hiện trong chữ hợp thể, không bao giờ xuất hiện trong chữ đơn thể, lại càng không có chuyện được tạo nên từ chỉ một nét bút. Ví dụ:
- Chữ 湖: Hình bàng là 氵, thanh bàng là 胡
- Chữ 晴: Hình bàng là 日, thanh bàng là 青
- Chữ 哪: Hình bàng là 口, thanh bàng là 那
- Chữ 粮: Hình bàng là 米, thanh bàng là 良
Hãy quan sát thật kỹ 4 chữ trên, ta sẽ phát hiện ra rằng đại đa số bộ thủ chính là thiên bàng (vì bộ thủ sinh ra từ hình thể của thiên bàng mà). Ví dụ như bộ 3 chấm thủy 氵, đây cũng chính là thiên bàng biểu ý của chữ 湖; bộ Nhật 日 chính là thiên bàng biểu ý và bộ Thanh 青 chính là thiên bàng biểu âm của chữ 晴; bộ Khẩu 口 là thiên bàng biểu ý của chữ 哪; bộ Mễ 米 là thiên bàng biểu ý của chữ 粮.
Chúng ta tiếp tục quay lại nhìn kỹ 4 chữ trên nhé, thấy có gì lạ hông ? Đó là bộ thủ có thể là thiên bàng, nhưng thiên bàng chưa chắc đã là bộ thủ. Ví dụ như thiên bàng biểu âm 胡 trong chữ 湖, nó đâu phải là bộ thủ; rồi thiên bàng biểu âm 那 trong chữ 哪, nó cũng đâu phải là bộ thủ; còn thiên bàng biểu âm 良 trong chữ 粮 nữa, làm gì có chuyện nó là bộ thủ.
Túm lại
Túm lại như vầy cho nó đơn giản: Khi các bạn đang phân tích kết cấu chữ Hán, hãy gọi thành phần cấu tạo nên chữ Hán là thiên bàng. Còn khi đang tra từ điển thì hãy gọi nó là bộ thủ. Khổ quá !!!