Từ “lải nhải” trong tiếng Trung nên dùng từ nào ?

Từ “lải nhải” trong tiếng Trung có rất nhiều từ để diễn đạt, ví dụ như 唠叨, 啰唆, 啰嗦, 噜苏, 驼嗒, 韶,… vâng vâng và mây mây. Quá nhiều từ để nói lên hành động “lải nhải” của người nói, thế thì mình nên dùng từ gì bây giờ ? HSKCampus sẽ lải nhải về từ “lải nhải” trong bài viết dưới đây, các bạn cùng tụi mình đi tìm từ “lải nhải” quốc dân nhá!

lải nhải tiếng trung
Từ “lải nhải” trong tiếng Trung

Mục lục bài viết

Cảm hứng viết bài về từ “lải nhải”

HSKCampus tụi mình sở dĩ viết bài này là vì cách đây không lâu, tụi mình có nhận dịch tài liệu từ các đối tác, khách hàng. Mãi cho đến hôm qua, khi tụi mình dịch đến đoạn có sử dụng từ “lải nhải” trong tiếng Việt và được yêu cầu dịch sang tiếng Trung.

Lúc này, tụi mình đã nghĩ ngay đến từ 唠叨, đây là từ thường hay xuất hiện trong khẩu ngữ, khá phổ biến trong các bộ phim lẻ, phim truyền hình và các chương trình truyền hình của Trung Quốc. Thế nhưng, do đây là đang dịch thuật trong văn viết, nên là tụi mình có chút ngần ngại khi dùng từ 唠叨, thế là bọn mình lao ngay vào công cuộc tìm kiếm từ “lải nhải” trong văn viết tiếng Trung nên diễn đạt bằng từ nào mới chính xác.

Sau một buổi tìm kiếm, dò hết sách này đến sách nọ, tụi mình đã phát hiện ra được rất nhiều thông tin hay ho, thú vị về từ “lải nhải” này và hôm nay chia sẻ đến các bạn độc giả đây.

Các từ “lải nhải” trong tiếng địa phương

“lải nhải” trong tiếng Nam Kinh (南京话)

Từ ngữ chỉ hành động cứ nói đi nói lại mãi, làm người nghe cảm thấy nhàm chán, khó chịu (嫌人话多) thường dùng trong tiếng Nam Kinh là 韶, 韶叨. Ví dụ, họ thường hay nói:“韶死了”、“韶得不得了”. Hồi thứ 24 trong bộ tiểu thuyết danh tiếng Hồng Lâu Mộng cũng đã xuất hiện từ 韶, 韶叨.

贾芸听他韶刀 (叨) 得不堪,便起身告辞。

“lải nhải” trong tiếng Thiên Tân (天津话)

Người dân sống ở tỉnh Thiên Tân thì lại hay dùng từ 驼嗒 (tuōtà), 拖答 (tuōdá) hay 托哒 (tuōdā). Trong đó, phổ biến nhất là từ 驼嗒, tuy nhiên, kể cả khi được sử dụng phổ biến như 驼嗒 hay hiếm khi dùng như 拖答, 托哒 cũng không được liệt vào từ điển tiếng Trung (tiếng Hán hiện đại), vì lí do đây là từ thuộc tiếng địa phương, không phải từ ngữ thông dụng được đông đảo người Trung Quốc sử dụng.

“lải nhải” trong tiếng Thượng Hải (上海话)

Khác với 韶叨 của tiếng Nam Kinh và 驼嗒 trong tiếng Thiên Tân, người Thượng Hải mỗi khi muốn bảo ai đó thôi lải nhải, bớt nói lại thì họ hay dùng từ 噜苏 (lūsū). Dựa theo câu ví dụ được trình bày trong bộ từ điển tiếng Trung toàn diện nhất hiện nay là bộ Hán ngữ Đại từ điển (汉语大词典), ta có thể dễ dàng khẳng định được ngay 噜苏 là từ thuộc tiếng địa phương. Ví dụ như trong tác phẩm《林家铺子》của Mao Thuẫn (茅盾) có câu:“话是说到尽头了,上海客人只好不再噜苏,可是他坐在那里不肯走。”

噜苏 càng thể hiện rõ nét hơn ý nghĩa “lải nhải” mà nó mang theo mình khi xuất hiện trong tác phẩm《上海的早晨》của tác giả Châu Nhi Phục (周而复):“少噜苏,快补来!” 朱暮堂威胁地说。

Nếu như dùng từ với mục đích dịch thuật các chủ đề quen thuộc, gần gũi trong đời sống hằng ngày mà không phải là sáng tác văn học thì HSKCampus khuyên bạn nên hạn chế sử dụng các từ ngữ thuộc tiếng địa phương.

Từ “lải nhải” trong tiếng phổ thông

Ngày nay, khi muốn diễn đạt từ “lải nhải”, ta có hai cách nói phổ biến nhất là 唠叨 và 啰唆. 唠叨 thì thường dùng trong khẩu ngữ (口语), còn 啰唆 thường dùng trong văn viết (书面语), cũng có khi có thể hoán đổi được cho nhau. Riêng từ 啰唆 khá thú vị, bọn mình sẽ nói thêm về từ này.

啰唆 là từ láy (联绵词), mà từ láy trong tiếng Trung phần nhiều chú trọng vào âm đọc, chứ không quan trọng hình thức viết của chữ trong các từ. Do đó mà từ 啰唆 còn có cách viết khác là 罗唆, 啰嗦. Từ 罗唆 nếu để ý kỹ, bạn sẽ không hề thấy có sự xuất hiện của bộ khẩu (口) trong chữ 罗.

Thực ra, 罗唆 là hình thái chữ viết từ xưa của người Trung Quốc, chữ 罗 là chữ được đơn giản hóa từ chữ 囉. Thời điểm trước năm 1986, những ai viết từ 罗唆 thành 啰唆 đều bị xem là viết sai chính tả, phải viết là 罗唆 mới đúng.

Tuy nhiên, kể từ ngày 10.10.1986, sau khi công bố bảng tổng sắp các chữ Hán được đơn giản hóa (简化字总表), chữ 囉 chính thức có thêm một chữ mới được dùng để đơn giản hóa nó đi, đó là chữ 啰. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng, “lải nhải” chính xác nhất phải dùng từ 啰唆 để diễn đạt ý nghĩa của từ (có bộ khẩu, ý chỉ cái miệng cứ nói đi nói lại nhiều lần).

Vậy còn từ 啰嗦 thì sao ? Có cách nói này chứ ? Tất nhiên là có rồi, đầy người dùng ra. Xét về cách dùng từ, cả 啰唆 và 啰嗦 đều là những từ biến thể (变体词), hay còn gọi là từ dị hình (异形词).

Theo như bọn mình quan sát, trong các bộ từ điển tiếng Trung khá uy tín như《现代汉语词典》,《新华字典》và《汉语大词典》, họ chủ yếu giải thích nghĩa và cho ví dụ cho từ 啰唆. Còn 啰嗦 thì họ cũng chỉ ghi là 同 “啰唆”. Hay như trong bộ từ điển Hán Việt (汉越词典) do Trương Văn Giới và Lê Khắc Kiều Lục biên soạn thì chữ 啰嗦 không có mục từ riêng, nó chỉ được đánh dấu ngoặc vuông [ ] cạnh chữ 啰唆.

Lời kết

Từ những thông tin mà bọn mình tìm hiểu và phân tích nêu trên, có thể thấy, từ 啰唆 và 唠叨 là hai từ thể hiện rõ nét nhất ý nghĩa từ “lải nhải”, một hành động cứ nói đi nói lại nhiều lần, khiến người nghe cảm thấy khó chịu.

Bài viết đến đây là hết. Cảm ơn các bạn độc giả đã đón đọc và ủng hộ tụi mình ~

tiếng trung hskcampus

Có thể bạn quan tâm
Chia sẻ

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Địa chỉ e-mail của bạn sẽ không hiển thị công khai đâu. Đừng lo !