Lễ Thất Tịch

Ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch hằng năm là ngày Lễ Thất Tịch(七夕节)trong dân gian của người Trung Quốc. Ngày này được cho là ngày đoàn tụ, sum vầy giữa Khiên Ngưu Tinh và Chức Nữ Tinh. Câu chuyện tình yêu đẹp đẽ, thơ mộng, cảm động lòng người giữa Ngưu Lang và Chức Nữ được phổ biến rộng rãi và lưu truyền từ ngàn đời cho đến nay.

thất tịch
Lễ Thất Tịch (七夕节)

Nguồn gốc Lễ Thất Tịch

Người ta cho rằng sự ra đời của ngày Lễ Thất Tịch(七夕节)xuất phát từ câu chuyện thần thoại về Ngưu Lang và Chức Nữ.

Ngày xửa ngày xưa, ở làng Tây Ngưu, thành Nam Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay) có một anh con trai vô cùng thông minh, rất có hiếu với cha mẹ tên là Ngưu Lang. Cha mẹ anh mất sớm, Ngưu Lang lúc này sống cùng với anh trai và chị dâu. Người chị dâu bản tính xấu xa, vốn đã không ưa gì Ngưu Lang, thường xuyên mắng mỏ, chì chiết và sai bảo Ngưu Lang phải làm hết từ việc này đến việc kia, thậm chí còn nhẫn tâm đuổi Ngưu Lang ra khỏi nhà.

Ngưu Lang không còn nhà để về, anh nhọc nhằn mưu sinh kiếm sống qua ngày, người bạn duy nhất của anh lúc bấy giờ lại là một con bò già, ngày ngày cùng anh khổ nhọc kiếm miếng cơm manh áo.

Một ngày nọ, chú bò già đột nhiên biết nói, bảo Ngưu Lang rằng: “Ngày mai là ngày mùng 7 tháng 7, bảy vị tiên nữ, là con gái của Thiên Đế sẽ giáng trần để tắm gội. Trong số đó, Chức Nữ là vị tiên nữ nhỏ tuổi nhất, cô có một trái tim nhân hậu và rất khéo léo, giỏi giang, anh hãy canh lúc cô ấy đi tắm rồi đem quần áo của cô ấy đi giấu đi, Chức Nữ sẽ trở thành vợ anh, nghe lời ta !” Bò biết nói là con bò kỳ diệu, chuyện Chức Nữ thành vợ Ngưu Lang lại còn vi diệu hơn gấp bội phần. Dù là Ngưu Lang bán tín bán nghi, nhưng anh cũng quyết tâm thử một phen xem thế nào.

thất tịch
Tranh phác họa Ngưu Lang và Chức Nữ. Ảnh: The National Library of China

Vào đúng ngày mùng 7 tháng 7, Ngưu Lang trốn trong bụi rậm hàng cỏ lau, cạnh một bờ hồ, nín thở chờ đợi các vị tiên nữ. Không lâu sau, các vị tiên nữ y như rằng từ trên tận mây trời bay xuống mặt đất, lần lượt trút bỏ xiêm y của mình, rồi nhẹ nhàng thả mình xuống hồ nước.

Ngưu Lang thấy vậy liền nhớ đến lời con bò già đã căn dặn, anh không một chút do dự, chạy nhanh như tia chớp đến ôm trọn bộ xiêm y của Chức Nữ rồi quay về lùm cây gần đó. Việc trộm xiêm y của Ngưu Lang đã bị các vị tiên nữ phát hiện.

Sau khi hay chuyện, sáu vị tiên nữ đã nhanh chóng khoác lại bộ xiêm y rồi lập tức bay về phía bầu trời. Lúc này chỉ còn lại duy nhất Chức Nữ, nàng không thể bay do không có xiêm y, Chức Nữ vô cùng lo lắng và sợ hãi. Ngưu Lang thấy vậy bèn lại gần cô, ân cần nói rằng sẽ trả lại xiêm y cho cô nếu cô đồng ý làm vợ anh.

Dù không quen không biết Ngưu Lang, nhưng là một vị tiên, Chức Nữ cảm nhận được rằng Ngưu Lang là một chàng trai vô cùng tốt bụng, nhân hậu, xứng đáng được yêu thương, cô đã gật đầu đồng ý.

thất tịch
Ngưu Lang, Chức Nữ

Từ đó, Ngưu Lang và Chức Nữ kết hôn với nhau, họ nên duyên vợ chồng. Ngưu Lang làm nông, cày ruộng, trồng trọt, còn Chức Nữ thì đảm việc thêu thùa may vá. Họ yêu thương nhau, không lâu sau thì sinh được một bé trai, một bé gái vô cùng kháu khỉnh và đáng yêu.

Cuộc sống của họ vô cùng hạnh phúc và đầm ấm. Thế nhưng, cuộc sống của họ dần bị xáo trộn khi chuyện nên duyên vợ chồng của họ đến tai của Vương Mẫu Nương Nương (một số sách ghi chép lại rằng Vương Mẫu Nương Nương là mẹ của Chức Nữ, Chức Nữ là cô con gái út). Vương Mẫu Nương Nương vô cùng tức giận, đích thân giáng trần và ép Chức Nữ phải quay về thiên đình.

Ngưu Lang hay chuyện, anh nắm chặt lấy đôi bàn tay của Chức Nữ khi cô đang cùng Vương Mẫu Nương Nương bay về trời. Vương Mẫu Nương Nương thấy vậy liền rút chiếc kim thoa và vẫy tay, dòng Ngân Hà liền xuất hiện, chia cắt Ngưu Lang và Chức Nữ, dòng sông đã dạt họ sang hai bờ xa cách. Họ đứng đối diện, nhìn nhau mà lệ tuôn rơi.

Tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng giữa Ngưu Lang và Chức Nữ đã làm cảm động loài chim khách. Hàng vạn con chim khách đã cùng nhau chắp cánh bay lướt trên mặt sông Ngân, chúng kết thành chiếc cầu bắc ngang sông, nhằm giúp Ngưu Lang, Chức Nữ có thể đến được với nhau. Vương Mẫu Nương Nương thấy tất cả, nhưng không làm gì được, đành chấp nhận cho hai người gặp nhau trên chiếc cầu do đàn chim khách tạo nên (một vài tài liệu ghi chép lại cầu này là cầu Ô Thước) vào ngày mùng 7 tháng 7 hằng năm.

thất tịch
Vương Mẫu Nương Nương dùng chiếc kim thoa tạo nên dòng sông Ngân. Ảnh: The National Library of China

Từ đó, đến độ mỗi dịp mùng 7 tháng 7 âm lịch – ngày hội ngộ của Ngưu Lang, Chức Nữ qua chiếc cầu Ô Thước, các cô gái đều khoác lên mình những bộ trang phục mới, đẹp, đi dạo chơi dưới ánh trăng sáng vằng vặc, cùng ngắm những ngôi sao đang tỏa sáng, dõi tìm chòm sao Ngưu Lang và chòm sao Chức Nữ. Họ cầu nguyện cho bản thân mình sẽ có một trái tim nhân hậu, một bàn tay khéo léo như Chức Nữ, có thể tìm được một cuộc hôn nhân mỹ mãn, hạnh phúc. Đây chính là nguồn gốc của ngày Lễ Thất Tịch(七夕节).

thất tịch
Tranh phác họa hình ảnh các cô gái đi dạo chơi ngày Lễ Thất Tịch xưa. Ảnh: The National Library of China

Ý nghĩa của ngày Lễ Thất Tịch (七夕节)

Lễ Thất Tịch(七夕节)là một trong những ngày lễ rất quan trọng và không kém phần náo nhiệt so với bất kỳ ngày lễ, tết truyền thống nào của Trung Quốc cả thời xa xưa lẫn thời hiện đại ngày nay. Chuỗi các hoạt động thường thấy nhất trong ngày này là các cô gái sẽ thử tài khéo léo của mình bằng việc dùng những sợi chỉ có màu sắc sặc sỡ rồi xâu thật nhanh, dứt khoát vào bảy chiếc kim. Nếu như xâu kim một cách thuận lợi thì sẽ được xem là một cô gái khéo léo, đảm đang. Tuy nhiên, những hoạt động văn hóa này ngày càng ít thấy, chỉ phổ biến ở một vài địa phương thôi.

thất tịch
Hoạt động xâu kim ngày Lễ Thất Tịch. Ảnh: Sohu

Lễ Thất Tịch(七夕节)được xem là ngày Lễ Tình Nhân (Valentine Day) của người Trung Quốc. Câu chuyện tình yêu lứa đôi của Ngưu Lang và Chức Nữ đã góp phần tô đậm thêm nét đặc sắc lãng mạn cho ngày lễ, tết đầy ý nghĩa này.

Sau ngày Lễ Thất Tịch(七夕节)không lâu là đến Tết Trung Thu đó các bợn. Lễ, tết cứ ập đến dồn dập ~

tiếng trung hskcampus

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Địa chỉ e-mail của bạn sẽ không hiển thị công khai đâu. Đừng lo !