Tết Thanh Minh

Tết Thanh Minh diễn ra vào ngày mùng 4 hoặc mùng 5 tháng 4 dương lịch. Tết Thanh Minh là một ngày tết có ý nghĩa hết sức đặc biệt, không giống với bất kỳ ngày lễ tết nào. Có thể nói, Tết Thanh Minh vừa là một ngày đại lễ trong văn hóa truyền thống của người dân Trung Quốc vừa là ngày tiết khí (节气 – khái niệm thường dùng trong lịch âm, đánh dấu sự chuyển giao của khí hậu hay mùa theo các tháng trong năm, một năm có 24 tiết khí, mỗi tháng có 2 tiết khí).

Tết Thanh Minh trong tiết Thanh Minh chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong sự giao hòa biến đổi của các mùa trong năm.

tết thanh minh
清明节 – Tết Thanh Minh

Nguồn gốc Tết Thanh Minh

Trước khi đi vào nguồn gốc của ngày Tết Thanh Minh, tụi mình hãy cùng nhau tìm hiểu sơ qua về ngày Tết Hàn Thực trong tiết Hàn Thực, đây là một ngày tết vô cùng thịnh hành trong đời sống văn hóa của người Trung Quốc xưa, song ngày nay đã thất truyền. Tết Hàn Thực là sự khởi nguồn của Tết Thanh Minh.

Tết Hàn Thực (寒食节) được bắt đầu trước ngày Tết Thanh Minh khoảng độ một đến hai ngày. Truyền thuyết kể lại rằng, Tết Hàn Thực nhằm mục đích tưởng niệm vị quan thần trung với nước, hiếu với dân mang tên Giới Tử Suy (介子推) trong thời kỳ Xuân Thu (春秋时代).

Giới Tử Suy là hiền thần của triều đại nhà Tấn (晋国), được lệnh phục tùng, bảo vệ cho công tử Trọng Nhĩ (重耳). Khi nước Tấn xảy ra nội loạn, công tử Trọng Nhĩ bất đắc dĩ lắm phải tháo chạy khỏi nước Tấn, sống ẩn dật nơi xứ lạ quê người. Giới Tử Suy bất chấp mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng tháp tùng vị công tử mới có 19 tuổi là Trọng Nhĩ, thậm chí đã từng xẻo thịt từ chính đùi của mình để nấu canh cho Trọng Nhĩ ăn.

Sau khi Trọng Nhĩ quay về nước Tấn kế vị ngôi vua, Trọng Nhĩ đã ban thưởng cho những công thần đã có công trong việc tháp tùng ông trong quãng thời gian lưu lạc đầy gian nan và vất vả. Thế nhưng, công lao cũng như sự hi sinh của Giới Tử Suy lại không được Trọng Nhĩ bàn tới. Nhiều người tỏ thái độ bất bình với cách nhà vua Trọng Nhĩ đối xử với Giới Tử Suy, nhiều quan tướng còn khuyên vua Trọng Nhĩ nên ban thưởng cho Giới Tử Suy trước toàn thể các quan đại thần.

Thời điểm đó, Giới Tử Suy không màng đến việc tranh công như thế này, ông đã thu xếp mọi hành trang rồi âm thầm cùng người mẹ đi vào rừng sâu, leo lên núi cao, sống một cuộc đời ẩn dật.

Sau khi Tấn Văn Công hay chuyện, ông cảm thấy vô cùng hổ thẹn, ông lên kế hoạch kéo đoàn tùy tùng theo ông cùng đi tìm Giới Tử Suy cho bằng được. Thế nhưng chốn rừng sâu núi cao hiểm nguy, để mà tìm ra cho hai con người đâu phải chuyện dễ dàng gì. Có người hiến kế nên phóng hỏa toàn bộ khu rừng, Giới Tử Suy vì tránh lửa ắt sẽ xuất hiện.

Thế rồi, rừng đã bị đốt trụi, nhưng bóng hình Giới Tử Suy lại không thấy đâu. Khi những ngọn lửa cuối cùng đã lụi tàn, mọi người mới phát hiện Giới Tử Suy trên lưng cõng mẹ của mình ngồi dưới một gốc cây liễu cổ thụ, cả hai mẹ con đã bị thiêu cháy. Trong bức thư mà Giới Tử Suy để lại, ông viết rằng, bản thân đã làm tròn đạo nghĩa của một vị quan thần, đã xẻo thịt mình cho vua ăn, ông đã hoàn thành nghĩa vụ của mình, vua không việc vì phải tìm đến ông nữa.

Từ nay trở đi, nhà vua vì dân vì triều đình mà anh minh chính trực, vậy thì ông dù ở nơi chín suối kia cũng được thanh thản nhẹ nhàng mà nhắm mắt xuôi tay.

Để tưởng nhớ sự ra đi của Giới Tử Suy, Tấn Văn Công hạ lệnh toàn dân phải kiêng kỵ việc đốt lửa, và quy định ngày mất Giới Tử Suy là ngày Hàn Thực, tức chỉ được dùng những món ăn đã được nấu chín, chuẩn bị sẵn từ trước, thức ăn phải là thức ăn nguội, không quá nóng.

Năm thứ hai sau khi Giới Tử Suy mất, Tấn Văn Công cùng quần thần leo núi cúng vái tưởng niệm Giới Tử Suy, phát hiện thấy cây liễu cổ thụ ngày ấy giờ đã đâm chồi nảy lộc tươi mới, liền đặt tên cây là Liễu Thanh Minh, đồng thời gọi ngày cuối cùng trong tiết Hàn Thực là tiết Thanh Minh (清明节). 清 nghĩa là “sạch sẽ, trong lành”, 明 nghĩa là “tươi sáng”. Theo nhiều tài liệu sử sách ghi lại, Giới Tử Suy là một vị quan đại thần có thật của nhà Tấn thời xưa.

Ngày cuối cùng trong tiết Hàn Thực trùng vào ngày đầu tiên trong tiết Thanh Minh, đây cũng chính là khởi nguồn cho sự ra đời của ngày Tết Thanh Minh. Các bạn chú ý nha, tiết Thanh Minh là một trong 24 tiết khí của năm, và Tết Thanh Minh là một ngày trong đợt tiết Thanh Minh đó.

Các hoạt động văn hóa trong ngày Tết Thanh Minh

Tiết Thanh Minh với nắng ấm, trời trong, không khí trong lành và thanh tịnh, người dân Trung Quốc có tập tục tảo mộ. Họ quét dọn mồ mả, cúng thờ tổ tiên, dòng họ và dã ngoại cắm liễu cầu may.

Tảo mộ

Người Trung Quốc có một truyền thống tốt đẹp và mang đậm nét đạo nghĩa là kính lão trọng già, với những người đã khuất, thì họ lại càng được tôn kính và tưởng niệm hơn. Do vậy, mỗi độ đến Tết Thanh Minh, nhà nhà đều lũ lượt đến các nghĩa trang để dọn dẹp mồ mả và thờ cúng tổ tiên.

Người dân rẫy cỏ dại, đắp thêm đất mới cho những ngôi mộ của người đã khuất, rồi thắp nén nhang, sau cùng sẽ là bày biện đồ ăn thức uống cũng như giấy tiền vàng bạc lên trước ngôi mộ, với mục đích bày tỏ tâm nguyện và lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên như ông bà, cha mẹ, người thân hay dòng họ.

tết thanh minh
Tảo mộ Tết Thanh Minh xưa. Ảnh: The National Library of China
tết thanh minh
Tảo mộ Tết Thanh Minh ngày nay. Ảnh: Sina
tết thanh minh
Bữa cúng tổ tiên ngày Tết Thanh Minh. Ảnh: Eastday

Hội Đạp Thanh

Vào thời gian đón Tết Thanh Minh, thời tiết trở nên ấm áp hơn bao giờ hết, cây cối đâm chồi nảy lộc tươi xanh, nơi nơi đều đậm một màu xanh mướt của hoa lá cỏ cây, đây cũng chính là dịp mà nhiều gia đình người Trung Quốc tổ chức các chuyến dã ngoại vui chơi giải trí. Họ thường kéo nhau đến các vùng ngoại ô, cùng hít thở không khí trong lành, chiêm ngưỡng bầu trời trong xanh.

Người dân Trung Quốc thường gọi Tết Thanh Minh là Hội Đạp Thanh – 踏青 (tức giẫm lên cỏ) cũng từ những chuyến vui chơi này mà ra. Việt Nam ta ngày nay có lẽ đã không còn tồn tại lễ hội này, nhưng một số địa phương của Trung Quốc vẫn còn giữ lại tập tục này.

tết thanh minh
Hội Đạp Thanh ngày Tết Thanh Minh xưa. Ảnh: The National Library of China
tết thanh minh
Hội Đạp Thanh ngày Tết Thanh Minh xưa. Ảnh: The National Library of China
tết thanh minh
Hội Đạp Thanh ngày Tết Thanh Minh ngày nay. Ảnh: Xinhua
tết thanh minh
Hội Đạp Thanh ngày Tết Thanh Minh ngày nay. Ảnh: Xinhua

Cắm liễu cầu may

Trong những chuyến dã ngoại vui chơi, người dân Trung Quốc còn có tập tục ngắt những cành liễu xanh cắm lên mái tóc nhằm xua đuổi tà ma, phòng tránh họa nạn, cầu nguyện được bình an vô sự và hạnh phúc, tập tục này được gọi là “cắm liễu cầu may”.

tết thanh minh
Người dân thu nhặt cành liễu ngày Tết Thanh Minh. Ảnh: QQ News
tết thanh minh
Người dân Trung Quốc đội cành liễu được kết thành vòng tròn ngày Tết Thanh Minh. Ảnh: QQ News
tết thanh minh
Đội cành liễu vui chơi ngày Tết Thanh Minh. Ảnh: QQ News

Đánh đu

tết thanh minh
Chơi đánh đu trong ngày Tết Thanh Minh xưa. Ảnh: The National Library of China

Thả diều

tết thanh minh
Thả diều ngày Tết Thanh Minh xưa. Ảnh: The National Library of China
tết thanh minh
Thả diều ngày Tết Thanh Minh xưa. Ảnh: The National Library of China
tết thanh minh
Thả diều ngày Tết Thanh Minh xưa. Ảnh: The National Library of China
tết thanh minh
Thả diều Tết Thanh Minh ngày nay. Ảnh: Wehefei

Theo quy định của nhà nước Trung Quốc, mỗi năm đến dịp Tết Thanh Minh, người dân sẽ được nghỉ lễ một ngày.

Khởi nguồn bi thảm của ngày Tết Thanh Minh lại là dịp tốt đẹp để ta bày tỏ lòng biết ơn, sự mong nhớ của mình đến những người thân đã khuất. Sự ra đi của họ thật không thể nào chấp nhận được, nhưng họ vẫn sẽ mãi bên cạnh chúng ta, ta sẽ có dịp thể hiện sự thành kính của mình vào ngày Tết Thanh Minh ấm áp, không khí trong lành với muôn hoa đua nở.

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Địa chỉ e-mail của bạn sẽ không hiển thị công khai đâu. Đừng lo !