Tết Nguyên Tiêu

Tết Nguyên Tiêu ở Trung Quốc còn gọi là Tết Thượng Nguyên (上元节) và Tết Nguyên Tịch (上夕节), diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng, là một trong những ngày lễ hội cổ truyền lớn của Trung Quốc, đánh dấu cho sự kết thúc của Tết Nguyên Đán.

Vào ngày này, người dân Trung Quốc thường hay treo đèn, rước đèn, thả đèn, chơi lồng đèn ngũ sắc để hòa mình vào bầu không khí của lễ hội, do đó mà Tết Nguyên Tiêu còn được gọi là Hội Hoa Đăng, Lễ hội Lồng Đèn (灯节).

tết nguyên tiêu
元宵节 – Tết Nguyên Tiêu

Chữ “nguyên” trong Tết Nguyên Tiêu nghĩa là “thứ nhất”, còn chữ “tiêu” là tên gọi khác của chữ “dạ” (夜), có nghĩa là buổi tối, ban đêm. Do đó, Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là ngày lễ hội đầu tiên của một năm mới được tổ chức vào ban đêm kể từ khi kết thúc Tết Nguyên Đán.

Nguồn gốc Tết Nguyên Tiêu

Có rất nhiều thuyết ghi lại về lịch sử hình thành của ngày Tết Nguyên Tiêu.

Thuyết thứ nhất

Ngày xưa có một con thiên nga từ trên trời bay xuống trần gian đã bị một người thợ săn bắn chết. Ngọc Hoàng hay chuyện rất tức giận, bèn ra lệnh cho thiên binh thiên tướng đúng ngày rằm tháng Giêng xuống đốt trụi trần gian. May mắn là vài vị thần tiên trên thiên đình không đồng tình với quyết định của Ngọc Hoàng. Họ đã liều mình xuống trần gian để hiến kế cho người dân dưới hạ giới lúc bấy giờ. Họ bảo người dân hãy đốt đèn, treo đèn, bắn pháo hoa, rồi sau cùng thả đèn lên trời.

Đêm rằm tháng Giêng năm ấy, người người nhà nhà bắn pháo hoa, thả đèn lên trời, Ngọc Hoàng thấy vậy rồi cứ ngỡ trần gian đã lụi tàn. Chính vì thế mà loài người đã thoát khỏi cảnh diệt vong.

Thuyết thứ hai

Vào thời Hán Vũ Đế, có một cung nữ tên là Nguyên Tiêu bị cấm về thăm cha mẹ vào ngày rằm tháng Giêng. Nàng có ý định lao mình xuống giếng để tự vẫn. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của nàng, Đông Phương Sốc đã nghĩ kế để giúp cô. Ông tâu với vua rằng, ngày 16/01 âm lịch, thiên đình sẽ sai Hỏa Thần xuống thiêu trụi kinh thành (Trường An).

Để tránh tai họa đó, mọi người phải làm món chè trôi nước để cúng bái Hỏa Thần, đồng thời phải treo đèn lồng trước cửa nhà mình và ngoài đường phố vào ngày rằm tháng Giêng. Hán Vũ Đế làm theo, ngày đó mọi nhà đều treo đèn lồng. Thế rồi nhân lúc mọi người đang mãi ngắm đèn, Nguyên Tiêu đã trốn về nhà thăm cha mẹ.

Thuyết thứ ba

Tết Nguyên Tiêu ở Trung Quốc có thể bắt nguồn từ hơn 2000 năm trước. Vào đầu thời Đông Hán (25–220), Hán Minh Đế, vị hoàng đế thứ hai của Đông Hán, là người ủng hộ Phật giáo. Ông nghe nói một số nhà sư đã thắp đèn lồng trong chùa để tỏ lòng thành kính với Đức Phật vào ngày rằm tháng Giêng.

Vì vậy, ông đã ra lệnh cho tất cả các đền thờ, hộ gia đình và hoàng cung phải thắp đèn lồng vào buổi tối hôm đó. Phong tục Phật giáo này dần dần trở thành lễ hội lớn trong đời sống văn hóa của người dân Trung Quốc.

Ý nghĩa ngày Tết Nguyên Tiêu

Tết Nguyên Tiêu mang ý nghĩa của sự đoàn viên, đoàn tụ. Tết Nguyên Tiêu là dịp để các thành viên trong gia đình ngồi lại ăn bữa cơm gia đình, ăn chè trôi nước và cùng nhau trò chuyện về những câu chuyện trong đời sống, cùng nhau bàn về những dự định trong tương lai.

Phong tục, hoạt động trong ngày Tết Nguyên Tiêu ở Trung Quốc

Ngày nay, Trung Quốc và các quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam ta thường tổ chức các hoạt động truyền thống như thả đèn lồng; trình diễn múa lân sư rồng; lên chùa cầu mong một năm mới an lành, may mắn và nhiều tài lộc; ăn chè trôi nước, giải câu đố trên lồng đèn,…

tết nguyên tiêu
Múa lân sư rồng ngày Tết Nguyên Tiêu của người Hoa ở TP.HCM. Ảnh: VnExpress
tết nguyên tiêu
Người dân ở Tây Song Bản Nạp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc thả hoa đăng ngày Tết Nguyên Tiêu. Ảnh: QQ News

Video thả hoa đăng, đẹp lắm luôn, cực kỳ hoành tráng luôn

Người Trung Quốc ngày Tết Nguyên Tiêu ngoài việc trang hoàng nhà cửa, đường phố bằng cách treo đèn lồng ra thì còn có một trò chơi dân gian khá thú vị là giải câu đố trên đèn lồng. Đây là một trò chơi đoán chữ mang đậm bản sắc văn hóa của Trung Quốc.

Người dân sẽ dùng những vần thơ ca đồng âm hoặc các câu chữ trong đời sống để úp úp mở mở cho những đáp án của các câu đố được viết trên đèn lồng. Trò chơi đoán chữ này xuất hiện sớm nhất ở triều đại nhà Tống ở Lâm An (thành phố Hàng Châu ngày nay), là nơi đóng đô của triều đại Nam Tống (1127 – 1279).

Mỗi dịp đến ngày Tết Nguyên Tiêu, những nhà thơ, nhà văn tham gia sáng tác câu đố, giải câu đô nhiều vô số kể. Chính vì sự hấp dẫn và thú vị, mang đầy tính nhân văn của trò chơi giải câu đố này, mà nó đã được lưu truyền lại qua nhiều thế hệ cho con cháu người Trung Quốc sau này và được đông đảo người dân đón nhận, xem việc giải câu đố trên đèn lồng là một mảnh ghép không thể thiếu trong một bức tranh toàn cảnh Tết Nguyên Tiêu.

Về sau này, hoạt động giải câu đố trên đèn lồng dần chuyển sang ghi lại những câu ước nguyện của bản thân người thả đèn về một cuộc sống hạnh phúc, tròn đầy, thành công, rồi thả bay đèn lên trời.

thả đèn trời
Những lời ước nguyện được người dân gửi gắm trên lồng đèn ngày Tết Nguyên Tiêu. Ảnh: Huaxia

Cũng như bao ngày lễ tết khác, như Tết Nguyên Đán ăn sủi cảo, Tết Trung Thu ăn bánh trung thu, Tết Đoan Ngọ ăn bánh ú, Tết Trùng Cửu ăn bánh cao, đến Tết Nguyên Tiêu thì ta có chè trôi nước. Theo nhiều tài liệu ghi lại, tập tục ăn chè trôi nước xuất hiện trong thời kỳ Xuân Thu (khoảng 770 – 476 trước công nguyên).

Chè trôi nước, tiếng Trung là 汤圆(圆 trong 圆子 – hình tròn) dùng bột xay ra từ gạo nếp nặn thành những viên bánh có hình tròn nhỏ, có nhân hoặc không nhân. Nếu có nhân thì nguyên liệu chủ yếu làm nhân cho bánh thường là đường trắng, bột đậu, các loại quả hạt,… nhiều người gọi chè trôi nước là bánh chay cũng chính vì nhân của nó hoàn toàn không có các loại thịt, cá hay tôm. Chè trôi nước có thể nấu bằng cách luộc, rán mỡ hay hấp cách thủy đều được.

Người Trung Quốc vốn yêu thích mọi vật có hình dáng tròn tròn, ăn chè trôi nước trong đêm Tết Nguyên Tiêu, đêm rằm đầu tiên của năm, trong một đêm mà trăng tròn vành vạnh, chính là hi vọng rằng các thành viên trong gia đình luôn có dịp được đoàn tụ, hòa hợp và cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, tiếng cười.

chè trôi nước
Chè trôi nước Tết Nguyên Tiêu. Ảnh: QQ News

Có thể thấy, khác với sự rộn ràng từ sáng đến tối của dịp Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu có một nét đẹp riêng vào những đêm tối muộn trăng tròn. HSKCampus mong rằng có thể cùng các bạn viết lên lồng đèn những lời ước nguyện tươi đẹp của bản thân, để rồi thả bay nó lên bầu trời, để thế gian có dịp cùng chiêm ngưỡng và suýt xoa 😀

tiếng trung hskcampus

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Địa chỉ e-mail của bạn sẽ không hiển thị công khai đâu. Đừng lo !