Tết Trung Nguyên(中元节), còn gọi là tết Mạnh Lan Bồn(孟兰盆), diễn ra vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm, là một ngày lễ tết của Đạo giáo ở Trung Quốc (ghi nhận có một số sách cho rằng tết Trung Nguyên là của Phật giáo).
Hiện nay, một số nơi ở Trung Quốc còn gọi tết Trung Nguyên là Quỷ Tiết(鬼节)hay Thi Cô(施孤). Vào ngày tết Trung Nguyên, người dân thường bày mâm cỗ, cúng vái và cầu nguyện cho những người đã khuất, mong họ phù hộ cho bản thân và con cháu sau này, hoặc cúng vái, cầu mong cho ma quỷ được mau siêu thoát.
Mục lục bài viết
Nguồn gốc ngày Tết Trung Nguyên(中元节)
Người Trung Quốc tin rằng, cõi âm là do Địa Quan Đại Đế(地官大帝)- một trong Tam Quan Đại Đế(三官大帝)cai quản. Ngày sinh của Địa Quan Đại Đế rơi vào ngày 15 tháng 7 âm lịch. Sự kiện này được ghi chép trong quyển《道家大辞典》:“道家以七月十五日为中元,定为地官大帝诞辰” . Ngày này sẽ mở cánh cửa chốn cõi âm, từ đó mà tổ tiên, những người đã khuất, hay thậm chí là ma quỷ từ địa ngục sẽ được tự do bay lên cõi trần gian nếu có sự đồng ý của người trần thông qua việc cúng vái.
Trong quan niệm dân gian của người Trung Quốc, ngoài Địa Quan Đại Đế cai quản cõi âm ra còn có một vị thần khác, cai quản cả cõi âm lẫn cõi dương mà chắc hẳn trong số chúng ta ít nhiều gì cũng đã từng nghe qua, đó là thần Thành Hoàng. Thần Thành Hoàng được tôn thờ chính trong các đình làng ở Việt Nam ta. Sự xuất hiện của vị thần Thành Hoàng cũng đã góp phần khai sinh ra ngày Tết Trung Nguyên.
Trong bộ sách《中华全国风俗志·山东》có viết:“清明日、中元节、十月朔,为三冥节。城隍出巡,仪仗甚丰,妓等白衣白裙手捧链索,扮作女囚,若戏中所演之苏三者。乘敝轿随行,谓艿以谶除罪恶。” Việc thần Thành Hoàng đi thị sát thực chất là chỉ hoạt động thờ cúng vị thần này vào ngày 15 tháng 7 âm lịch của người dân Trung Quốc, với hi vọng thần Thành Hoàng sẽ phù hộ cho đời sống nhân dân được bình yên, ấm no, trấn áp quỷ dữ, bảo vệ thành quách.
Người dân tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc còn gọi tết Trung Nguyên là tết Ma Cô(麻姑节). Họ cho rằng Ma Cô là con gái của Tần Thủy Hoàng(秦始皇), cô đã bị chính Tần Thủy Hoàng giết chết do cô đã tự ý tháo bỏ xiềng xích, trả tự do cho những người nô lệ bị áp bức để xây Vạn Lý Trường Thành. Để tưởng nhớ cô, người dân định ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm là tết Ma Cô.
Như đã đề cập ở phần trên, tết Trung Nguyên còn gọi là tết Mạnh Lan Bồn(孟兰盆节;Ullam-bana). Mạnh Lan Bồn (Ullam-bana) trong tiếng Thiên Trúc (天竺语, Thiên Trúc là tên gọi ngày trước của nước Ấn Độ hiện giờ) có nghĩa là “giải cứu đảo huyền”(đảo huyền, tiếng Trung:倒悬,ý chỉ các linh hồn khốn khổ, lang thang, không được ai thờ cúng). Mạnh Lan Bồn khởi nguồn từ một nghi thức mang đậm tính Phật giáo của người Ấn Độ.
Truyền thuyết kể lại rằng, một vị đệ tử của Phật Thích Ca lúc nào cũng chứng kiến cảnh mẹ của mình bị treo lơ lửng giữa địa ngục đen tối, vị đệ tử này đã thành khẩn mong Phật cứu giúp. Phật thấy vậy, khuyên người đệ tử này bày mâm hoa quả đúng vào ngày rằm tháng 7, mục đích là để cúng đường cho những tăng lữ thập phương, có như vậy thì mẹ của vị đệ tử sẽ được siêu thoát, không còn phải chịu cảnh khổ hạnh, đau đớn đến cùng cực.
Từ sự kiện đó, các đồ đệ của Phật liền tổ chức ngày hội Mạnh Lan Bồn, với mục đích tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, ông bà.
Các hoạt động ngày tết Trung Nguyên
Cúng vái, cầu nguyện
Tết Trung Nguyên dần trở nên phổ biến từ triều đại nhà Lương thời Nam Bắc Triều (502 – 557). Ngoài việc lập đền chùa, cúng đường cho các nhà sư, còn xuất hiện thêm các hoạt động khác như cúng vài và cầu nguyện.
Vào ngày lễ này, người dân sẽ thực hiện việc cúng vái bằng cách tổ chức thành từng đoàn, mỗi đoàn được dẫn trước bởi các vị pháp sư. Đoàn đi trước sẽ cung lên cho Diêm Vương(阎王)những linh hồn bị lưu đày dưới địa ngục, với hi vọng những linh hồn này sẽ được cứu rỗi và siêu thoát. Đoàn đi sau sẽ dâng lên hàng loạt các đồ cúng như gạo, trái cây. Còn người dân sống dọc con đường mà đoàn đi qua sẽ bày mâm cỗ như heo, gà, vịt, cừu, dê,… các loại bánh và hoa quả.
Đến thời điểm giữa trưa, chủ nhà sẽ dùng các lá cờ làm bằng giấy được gấp thành hình tam giác với đủ màu sắc như xanh dương, xanh lá cây, đỏ, cam,… cắm vào từng mâm đồ cúng. Trên từng lá cờ đều được viết lên dòng chữ “Hội Mạnh Lan Bồn”. Ngay sau đó, các vị pháp sư sẽ đánh vang lên những hồi trống, rồi cùng nhau niệm những câu thần chú. Sau khi niệm xong, nhà nhà sẽ bê từng mâm cỗ lên rồi hất các đồ cúng ra khắp nơi trước cổng nhà.
Đọc tới đây rồi thì các bạn có phát hiện ra điều gì thú vị không ? Nếu để ý kỹ về nghi thức tổ chức lễ của ngày tết Trung Nguyên, ta sẽ thấy nghi thức này có nét tương đồng với Tháng Cô Hồn ở Việt Nam ta, cũng rơi vào đúng ngày rằm tháng 7 luôn.
Bố Điền – 布田
Quay lại vấn đề chính nào! Sau khi buổi lễ của Hội Mạnh Lan Bồn kết thúc, nhà nhà vẫn đốt nhang, thắp hương trước cổng cho đến tận tối mịt. Người dân họ cắm thẳng nhang lên mặt đất, cắm càng nhiều càng tốt. Điều này mang ý nghĩa rằng các loại thóc gạo, ngũ cốc sẽ được bội thu, chất đầy kho. Việc làm này được gọi là “Bố Điền”(布田).
Thả đèn trôi sông – 放河灯
Ngoài việc cúng vái, cầu nguyện và bày mâm cỗ, người dân còn tổ chức lễ hội thả Hà Đăng – 放河灯(”Hà” tiếng Trung là 河, nghĩa là “sông”; “Đăng” tiếng Trung là 灯, nghĩa là “đèn”), thả Hà Đăng do đó có nghĩa là “thả đèn trôi sông”. Một số địa phương ở Trung Quốc gọi nghi thức này là thả Thủy Đăng – 放水灯. Người dân họ cắm một ngọn đèn cầy lên một thanh gỗ nhỏ, đặt giữa mô hình làm bằng giấy có hình dạng giống như một búp sen.
Sau khi đèn được nhóm lửa và thắp sáng, họ sẽ thả cho đèn trôi theo dòng sông. Người dân quan niệm rằng, việc thả đèn trôi sông nhằm mục đích chỉ lối, dẫn đường siêu thoát cho các linh hồn, ma quỷ đã chết một cách oan uổng từ kiếp trước. Nếu như đèn tắt, nghĩa là nhiệm vụ chỉ đường, dẫn lối cho các vong linh đã hoàn thành.
Tuy nhiên, cần lưu ý là, người dân Trung Quốc quan niệm ngày tết Trung Nguyên là tết dành cho ma cho quỷ. Giữa ma quỷ và con người cần có sự rạch ròi, phân biệt rõ ràng. Do đó, việc thả đèn trôi sông vào ngày tết Trung Nguyên khác hẳn với việc thả đèn trời vào ngày Tết Nguyên Tiêu (còn gọi là tết Thượng Nguyên). Tết Nguyên Tiêu thì thả đèn bay lên trời, còn tết Trung Nguyên thì thả đèn trôi sông.
Điều đáng buồn là tết Trung Nguyên ngày nay đã không còn được phổ biến như xưa. Hiện chỉ có một số ít địa phương ở Trung Quốc là còn duy trì tập tục, nét văn hóa này. Ấy thế mà ngày tết Trung Nguyên sau khi du nhập vào Nhật Bản thì lại phát triển ngày một thịnh các bạn ạ. Tết Trung Nguyên ở xứ sở mặt trời mọc phổ biến đến độ đã trở thành một trong những ngày lễ, tết truyền thống lớn nhất của Nhật Bản.
Khám phá thêm văn hóa Trung Quốc qua loạt bài viết về văn hóa trong chuyên mục Văn hóa Trung Quốc các bạn nha !