Tết ông Công ông Táo(祭灶节), còn được gọi là Tiểu Niên(小年), diễn ra vào ngày 23 tháng chạp. Ngày 23 tháng chạp được xem là ngày lễ cúng và tiễn ông Công, ông Táo về trời, đánh dấu sự kết thúc của một năm và được coi là sự kiện mở đầu cho một mùa lễ hội lớn nhất năm là Tết Nguyên Đán.

Trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, ông Công, ông Táo (còn được gọi là Táo Quân, tiếng Trung:灶君) được xem như là một vị thần chuyên coi quản việc bếp núc của gia đình, thế nên Táo Quân cũng được gọi là Thần Bếp. Táo Quân sẽ theo dõi và ghi chép những việc làm thường ngày của gia chủ, từ đó đánh giá cái thiện, cái ác trong tâm của mỗi con người, làm cơ sở để định đoạt sự may mắn, phước đức của cả gia đình.

Nguồn gốc tết ông Công ông Táo
Theo truyền thuyết, vào ngày 23 tháng chạp, ông Công, ông Táo sẽ bay lên thiên đình bẩm báo với Ông Trời (Ngọc Hoàng Đại Đế) về những việc đã xảy ra trong suốt một năm qua ở gia đình mà mình đang cai quản. Ông Trời sẽ dựa vào bản báo cáo của ông Công, ông Táo mà sẽ ban tặng các phần thưởng như lộc, may mắn, tiền tài, phúc đức hoặc ra các lệnh trừng phạt tương ứng với hộ gia đình đó.
Và để tiếp sức cho cuộc hành trình của ông Công, ông Táo được diễn ra thuận lợi, người dân sẽ dành ra một ngày để tổ chức tiễn đưa ông Công, ông Táo về trời bằng các hình thức như bày mâm cúng với đầy đủ hoa quả, bánh trái, cá lóc nướng, phóng sanh cá chép, đốt ngựa giấy.
Sự tích ông Công, ông Táo
Giống như sự tích về sự ra đời của ông Công, ông Táo ở Việt Nam ta có nhiều dị bản, ở Trung Quốc cũng tồn tại rất nhiều thuyết ghi lại sự ra đời của ông Công, ông Táo. Một trong những thuyết phổ biến nhất là thuyết được ghi chép lại ở tỉnh Sơn Đông.
Dân gian có người đàn ông họ Trương, lấy được người vợ là Quách Đinh Hương(郭丁香)vô cùng tần tảo, giỏi giang. Nhưng không lâu sau người chồng thay lòng đổi dạ, có tình cảm với người phụ nữ khác là Lưu Hải Đường(刘海棠). Ông Trương đã để mặc cho vợ ra đi với hai bàn tay trắng, về nhà với bố mẹ ruột. Không lâu sau đó, người chồng rơi vào cảnh suy sụp nghèo túng, lại còn bệnh tật dẫn đến mù lòa, đành phải tha hương, xin ăn sống qua ngày.
Một ngày nọ, ông vô tình đến trước cửa nhà của người vợ cũ để xin ăn, người vợ vô cùng đau lòng khi thấy chồng mình rơi vào hoàn cảnh như vậy. Cô đã làm cho người chồng cũ một bát mì mà xưa anh vô cùng thích. Anh chồng ăn xong rất sững sờ, lại rất giống món ăn mà người vợ xưa đã làm cho anh, bèn khóc nức nở.
Lúc này, người vợ gọi anh mở mắt ra, anh nghe theo tiếng nói của vợ mình, bỗng nhiên mắt anh sáng trở lại. Khi nhìn thấy vợ cũ, lòng anh chồng cảm thấy vô cùng hổ thẹn, bèn chạy thẳng vào bếp lò gần đó để kết liễu đời mình. Người vợ thương xót chồng nên đã lập bàn thờ tại nơi bếp lò, là nơi chồng mất mạng mà thờ cúng. Tục thờ Táo Quân từ đó mà thành.

Dọn dẹp nhà cửa(扫除)
Ngay từ hôm bắt đầu ngày lễ Lạp Bát, người dân đã bắt đầu những chuỗi ngày dọn dẹp nhà cửa của mình, thường sẽ kéo dài đến tận ngày 23 tháng chạp, tức ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời mới chấm dứt. Việc làm này không chỉ giúp cho nhà cửa thêm phần tươm tất, mà còn là dịp để người dân rũ bỏ đi những điều không may, những việc chẳng lành, từ đó nghênh đón những điều tươi mới về nhà.

Các bạn đón đọc thêm những bài viết hay về văn hóa trong chuyên mục Văn hóa Trung Quốc nha !